Cái tên ChatGPT hẳn không còn xa lạ với người dùng internet hiện nay. Cán mốc 100 triệu người dùng, hơn 700 triệu kết quả tìm kiếm trên Google, 13 triệu người dùng mỗi ngày, hàng nghìn bài phân tích trên mạng xã hội chỉ sau 2 tháng ra mắt. Đây là những con số biết nói cho thấy ChatGPT là một “hiện tượng toàn cầu”.
Bên cạnh sự hào hứng, những phản ứng tiêu cực cũng nổ ra xung quanh câu chuyện siêu AI thay thế nhân sự các ngành nghề như IT, truyền thông, ngành luật, giáo viên, CSKH…. Vậy điều gì khiến ChatGPT nổi như cồn thậm chí được đặt lên bàn cân với gã khổng lồ Google Search? Và liệu nó có thật sự là thay thế con người hay các chatbot khác trong tương lai? Bài viết này sẽ trả lời 2 câu hỏi lớn đó, đồng thời thể hiện góc nhìn về viễn cảnh tương lai và nhiệm vụ hiện thời. Đừng lo nếu bạn chưa biết ChatGPT là gì, cùng Chative.IO tìm hiểu qua bài viết này nhé!
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022. Được xây dựng dựa trên GPT-3.5 – một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI. Chatbot này có khả năng tương tác với người dùng tự nhiên như người thật, có thể làm bất cứ yêu cầu nào như viết email, viết CV, lên kế hoạch, viết code, v.v.
Chỉ sau 5 ngày ra mắt, ChatGPT đã đạt mốc 1 triệu người dùng. Con số vượt mặt những nền tảng nổi tiếng như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, Netflix,… Những ông lớn này cũng tốn mất một thời gian dài mới đạt được. Tiếp đó, nền tảng này vẫn liên tục chứng tỏ độ hot khắp cộng đồng mạng. Tiếc thay, hiện nay người dùng Việt vẫn chưa thể dùng ChatGPT mà buộc phải sử dụng các phần mềm fake IP sang các nước được hỗ trợ để trò chuyện với siêu AI này.
Rõ ràng, bạn có thể hỏi ChatGPT bất cứ câu hỏi nào về bất kỳ chủ đề gì. Siêu AI này sẽ trả lời chi tiết và lưu loát. Khả năng học hỏi nhanh tức khắc và cách trả lời khéo léo khiến user vô cùng hào hứng “dạy” nó để nhận được phản hồi đúng ý. Thậm chí, nhiều tệp khách hàng khác nhau, có thể không cần ChatGPT để viết bài, lập trình cũng “tranh thủ” tán gẫu xem nó thông minh đến đâu. Hàng loạt các ảnh chụp màn hình về hội thoại thú vị giữa chatGPT và người dùng cũng được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội.
Đôi lúc, chatGPT có thể nói “Xin lỗi, nhưng tôi không rõ. Bạn có thể cung cấp thêm thông tin về điều này không?”. Tuy nhiên, người dùng vẫn có xu hướng tiếp tục trò chuyện thay vì dễ bỏ đi như khi Google Search hiện kết quả “Không tìm thấy kết quả phù hợp nào”. Đâu là yếu tố giữ chân người dùng?
Ưu điểm to lớn của ChatGPT là khả năng mang lại trải nghiệm cá nhân hoá tối đa. Mặc dù Google và các công cụ tìm kiếm khác có thể cung cấp hàng loạt kết quả tìm kiếm đáng tin cậy, con người vẫn có thể cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Xã hội phát triển không ngừng nghỉ thì nhu cầu của con người theo đó tăng lên. Ai cũng có kỳ vọng và mong chờ được trải nghiệm công nghệ “đỉnh cao” có thể hiểu, tâm sự, tư vấn ngay khi họ cần.
ChatGPT ra đời đúng thời điểm như vậy. Cung cấp cho người dùng trải nghiệm tương tác y hệt như đang trò chuyện trực tiếp với một người khác. Sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp những câu trả lời nhanh, đồng thời cũng có khả năng thích nghi lập tức với ngữ cảnh và thông tin mới. Với giao diện đơn giản – ô chat mà bất kỳ ai cũng quen thuộc. Người dùng có thể truy vấn, thảo luận và trao đổi ý kiến với ChatGPT để tìm kiếm thông tin cần thiết.
Có thể nói, Chat GPT không chỉ đơn thuần cung cấp các câu trả lời mà còn đem lại trải nghiệm tương tác thú vị cho người dùng. Từ đây, ta thấy được sự cá nhân hoá và trải nghiệm chat là yếu tố then chốt làm nên thành công cho ứng dụng này.
Nhược điểm của ChatGPT chính là mức độ đáng tin cậy về thông tin mà chatGPT cung cấp. Cho dù bạn nhập một từ khoá vô cùng mơ hồ, ChatGPT sẽ không hỏi ngược lại bạn để đi đến làm rõ vấn đề. Nó sẽ bắt đầu đưa ra câu trả lời luôn để bảo đảm mạch trò chuyện.
Bà Mira Murati, CTO của OpenAI thừa nhận rằng “Nó có thể bịa ra sự thật, không phải lúc nào câu trả lời của AI cũng đúng”. Model đối thoại cho phép user “đào tạo” nó. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra một rủi ro khác là người dùng có thể cố tình đưa vào ChatGPT những thông tin sai.
Không phủ nhận ChatGPT có thể cho những câu trả lời trông rất lý lẽ nhưng không hề có dẫn chứng, số liệu nào chứng minh. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại nó chưa thể truy cập internet theo thời gian thực. Kho dữ liệu của siêu AI này được thu thập từ trước năm 2021 nên không thể đảm bảo dữ liệu đầu vào là xác thực. Tóm lại, chatGPT không tự kiểm chứng được câu trả lời của mình.
Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất kỳ chatbot nào trước đây, vậy Chat GPT có thể thay thế con người không? Câu trả lời là có và không.
Tại sao có? Lo lắng xoay quanh sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến cũng là điều dễ hiểu. Thực tế trong lịch sử, sự xuất hiện của máy móc, robot và dây chuyền tự động đã thay thế nhân công trong nhà máy, quán ăn, v.v. Do vậy, AI tối tân cũng có thể sẽ thay thế cho những công việc mang tính chất dập khuôn, công thức, lặp đi lặp lại, hoặc mang tính chất tổng hợp, không yêu cầu tư duy.
Tại sao không? Tiến bộ công nghệ sẽ không là mối đe đoạ mà là cơ hội, là yêu cầu để nhân loại nâng cao tri thức. ChatGPT cũng như các chatbot và automation, có thể tối ưu hiệu xuất, giải quyết những nhiệm vụ lặp lại để chúng ta có thời gian tập trung cho việc đổi mới tư duy và sáng tạo tinh vi. Khả năng hiểu biết và suy luận đa chiều, ra quyết định độc lập, tính cách, thấu cảm và quản lý tình huống phức tạp sẽ là những điều AI không thể làm được. Làm sao để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ mới là câu hỏi cần đặt ra lúc này.
Sự xuất hiện của ChatGPT đã tham gia thay đổi nhận thức con người về công nghệ nói chung và chatbot nói riêng. Với kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực công nghệ cao, tương lai, bài toán về lòng tin giữa người và bot sẽ là vấn đề luôn thường trực trong xã hội tiên tiến. ChatGPT có thể ra đơn thuốc, có thể cho bài giảng, có thể lập trình phần mềm, có thể tham vấn luật pháp, nhưng liệu ta có đủ tin tưởng? Nhu cầu cá nhân hoá cực kỳ cao, xu thế nhắn tin sẽ là những yếu tố không thể thiếu, nhưng viễn cảnh cộng tác giữa người và bot trong mọi mặt của đời sống cũng có thể sẽ là “bình thường mới”.
ChatGPT hay AI, vẫn đang được cải tiến từng ngày. Không ai dự đoán được nó có thể phát triển đến mức độ nào. Để luôn làm chủ thời đại, chúng ta sẽ cần nhận thức rõ những yếu tố này và xây dựng chiến lược phát triển hướng về sự đổi mới từ bây giờ. Cụ thể, nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra giải pháp kết hợp, giao thoa giữa yếu tố con người và yếu tố tự động linh hoạt, hiệu quả.
Chân thành cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài blog này. Tìm hiểu thêm nhiều bài viết thú vị khác từ Chative.IO tại đây!
Related Posts
January 14, 2025
January 01, 2025
November 30, 2024
November 28, 2024
November 26, 2024